Giới thiệu

TỔNG QUAN VỀ TRƯỜNG MN – TH – THCS

HAI BÀ TRƯNG

I. LỊCH SỬ MANG TÊN TRƯỜNG

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay “Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.”

Đúng như vậy đã từ xa xưa, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ( năm 40 – 43 SCN ) là hiện thân của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm giữ gìn non sông đất nước.

Trưng Trắc cùng với Trưng Nhị là hai chị em song sinh, con gái của lạc tướng Mê Linh ( người đứng đầu của bộ lạc Huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay ). Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách con trai Lạc tướng huyện Chu Diên ( tỉnh Hà Tây ngày nay ). Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên tướng giặc thái thú Tô Định vô cùng độc ác, tham lam, gian xảo, chém giết dân lành. Không thể ngồi nhìn nước mất nhà tan, Trưng Trắc cùng chồng là Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân chuẩn bị khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa chưa thành thì Thi Sách bị Tô Định giết chết. Hận thù nhà trả nợ nước, Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị tiếp tục chiêu mộ những người yêu nước, phát động phong trào khởi nghĩa tại cửa sông Hát với lời thề khí phách trước giờ xuất quân:

Một xin rửa sạch mối thù

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kêu oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được nhân dân đồng tình ủng hộ và kéo dài trong 3 năm ( năm 40 – 43 SCN ). Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã khơi dậy nhiều cuộc khởi nghĩa khác khắp vùng trong nước và đã đi vào lịch sử dân tộc, được các nhà thơ, nhà văn ghi chép lại lưu truyền mãi muôn đời:

Bà Trưng quê ở Châu phong

Dận loài tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…

  • NHỮNG CON CHÁU VUA HÙNG TRÊN ĐẤT MÊ LINH

Vào đầu Công nguyên, hai thế kỷ sau An Dương Vương, ở Mê Linh, thuộc vùng đất tổ Hùng Vương có hai người con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị con gái lạc tướng Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Quê hương của Hai Bà là trang Cổ Lai, nay là xã Mê Linh, thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Hai chị em đã lãnh đạo toàn dân nước Âu Lạc cũ vùng dậy lật đổ nền đô hộ tàn bạo của phong kiến phương Bắc, giành lại tự do độc lập cho dân tộc, xây dựng một nhà nước do phụ nữ nắm chính quyền và tiến hành một cuộc kháng chiến chống xâm lăng, quyết liệt.

  • NHỮNG CÁNH ĐỒNG MANG TÊN CHIẾN CÔNG

Giữ thành Mê Linh đến tháng 5 năm 43, quân ta thua trận. Trưng Vương cùng em về Hát Môn rồi tuẫn tiết giữa dòng sông Hát. Đến đây cuộc kháng chiến do Hai Bà Trưng lãnh đạo về cơ bản đã thất bại, nhưng ở nhiều nơi, nghĩa quân và nhân dân Việt cổ vẫn tiếp tục chống giặc. Bà Thánh Thiên chiến đấu ở vùng Việt bắc, bà Bát Nàn đem quân chặn các cửa rừng hóc núi, bà Lê Chân ra sức lấp suối ngăn sông chặn đánh thuỷ binh địch. Lực tuy kém nhưng tinh thần chiến đấu của nhân dân và các nữ tướng không kém bề hăng hái. Đất nước ta lại mất quyền độc lập.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40 của Công nguyên đã mở đầu cho truyền thống xuân chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Mùa xuân năm 40 sẽ sống lại với những mùa xuân, oanh liệt vẻ vang khác của dân tộc : xuân năm 248 Triệu Thị Trinh chiến thắng giặc Ngô, xuân năm 542 Lý Bí chiến thắng giặc Lương, dựng nước Vạn Xuân độc lập, xuân 939 Ngô Quyền, người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng thứ nhất xưng vương, dựng nền độc lập lâu dài sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, xuân 981, Lê Hoàn chiến thắng giặc Tống, tái tạo một Bạch Đằng thứ hai, xuân 1077 Lý Thường Kiệt lại chiến thắng giặc Tống trên bờ Như Nguyệt, xuân năm 1288, Trần Hưng Đạo làm nên đại thắng Bạch Đằng lần nữa. Xuân 1789, Quang Trung đại phá giặc Thanh…lịch sử cứ lặp đi lặp lại như một quy luật đối với truyền thống Xuân Việt Nam chiến thắng, khởi đầu từ Hai Bà Trưng. Bản anh hùng ca của Hai Bà Trưng tuy ngắn ngủi nhưng tiếng vang của nó đời đời bất diệt, tiêu biểu cho ý chí vươn lên và tinh thần quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Hai Bà Trưng chính là ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ giống nòi Rồng Tiên. Sự nghiệp của Hai Bà thật lớn lao, chiến công của nhân dân Việt cổ th,ời Hai Bà thật oanh liệt, những bài học Hai Bà để lại thật vô cùng quí giá. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn và sự nghiệp hai vị nữ anh hùng

II.TỔNG QUAN VỀ TRƯỜNG.

Cuộc khởi nghĩa  của hai Bà Trưng thắng lợi đã tô thắm những trang sử vàng của đất nước. Hai Bà Trưng cũng là hai nữ anh hùng đầu tiên trong  lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta. Vì lẽ đó, để thể hiện lòng tri ân, biết ơn những anh hùng đã có công xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trường chúng ta được thành lập vào tháng 8/2016 vinh dự được mang tên: Trường MN – TH – THCS Hai Bà Trưng. Xứng đáng được mang tên nữ tướng Hai Bà Trưng, tập thể CBGVNV và các em học sinh trong toàn trường thực hiện phương châm:

Học lễ nghĩa để thành nhân

Học tri thức để thành tài.

Từ khi thành lập đến nay, trường liên tục phát triển về quy mô và chất lượng, từng bước trở thành một trong những trường có uy tín về chất lượng giảng dạy và giáo dục của tỉnh nhà. Hiện nay, Trường được nâng cấp, xây dựng thêm với nhiều hạng mục khang trang tại địa chỉ TDP 2 – TT Kiến Đức – Đăk Rlấp – Đăk Nông.

Trường có diện tích khuôn viên khoảng 10.000 m2 với hơn 14,7 tỷ đồng vốn đầu tư. Số phòng học đáp ứng được đầy đủ cho cả 3 cấp học, các phòng đều được trang bị Ti vi phục vụ công tác dạy và học, hệ thống máy tính làm việc và giảng dạy đều được kết nối mạng Internet.  Các phòng chức năng bao gồm 1 phòng học Tin học, 1 phòng học Ngoại ngữ, 1 phòng học Âm nhạc và 1 phòng học Mỹ thuật. Phòng Thư viện xanh không ngừng cập nhật các đầu sách để đáp ứng sự tìm tòi nghiên cứu của học sinh và giáo viên. Để thuận lợi cho hoạt động vui chơi, Thể dục Thể thao của học sinh, trường thiết lập 1 hồ bơi, 1 sân bóng đá mini, 1 sân bóng rổ, 1 khu vận động dành cho khối Mầm non,… Trường có khu hiệu bộ riêng biệt, đầy đủ các phòng làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, văn thư, văn phòng cho giáo viên, các phòng chức năng đều đảm bảo cho việc phục vụ công tác dạy và học, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra, nhà trường có khu ký túc xá cho nam và nữ với sức chứa 400 học sinh, các phòng nội trú cho giáo viên, và hiện đang mở rộng quy mô để phục vụ tốt hơn cho công tác bán trú, nội trú tại trường.

III. CBQL, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH

Trường MN – TH – THCS Hai Bà Trưng được thành lập theo Quyết định Số ………………. ngày ……………..

  • Cơ cấu tổ chức năm học 2020 – 2021 :

– Hiệu trưởng:             Cô Vũ Thị Cúc

– Hiệu phó:      Cô Lê Thị Tám

– Chủ tịch Công đoàn:Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy

– Bí thư Đoàn TN: Lê Văn Quỳnh

– Tổng phụ trách Đội: Đặng Văn Nghiêm

  • Tổ chuyên môn:

– Mầm non: Dương Thị Hảo ( Tổ trưởng )

– Tiểu học: Phạm Thị Hằng ( Tổ trưởng )

– Tổ Tự nhiên: Trần Mỹ An ( Tổ trưởng )

– Tổ Xã hội: Nguyễn Thị Thanh Thủy ( Tổ trưởng )

  1. HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG
  • Các hoạt động giáo dục trong nhà trường:

Một số hoạt động phong trào được tổ chức thường xuyên, đạt kết quả tốt:

– Hoạt động tuyên truyền giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

– Học tập rèn luyện tốt theo 5 điều Bác Hồ dạy, tuần học tốt, tháng học tốt.

– Hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa nhân đạo, từ thiện.

– Hoạt động Xanh – Sạch – Đẹp trường học và môi trường xung quanh.

– Giáo dục đạo đức, tư tưởng, kỹ năng sống, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt 10 phút đầu giờ, lao động vệ sinh hằng tuần.

– Tổ chức các cuộc thi khảo sát chất lượng nhằm đánh giá HS

– Giao lưu văn nghệ giữa các khối lớp.

– Tổ chức thi Hội khỏe Phù Đổng,…

  • Định hướng Giáo dục:
  1. Lấy TRI THỨC làm mục tiêu
  2. Lấy NHÂN CÁCH làm giá trị
  3. Lấy THỂ CHẤT làm nền tảng
  4. Lấy SỞ TRƯỜNG làm sức mạnh
  5. Lấy KỶ NĂNG làm phương tiện

Để có thể thực hiện tốt các định hướng giáo dục đã đề ra, tập thể CBQL, Giáo viên, Nhân viên và Học Sinh trường MN – TH – THCS Hai Bà Trưng không ngừng rèn luyện, sáng tạo và học tập. Lấy việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình dạy và học. Góp phần vào công cuộc xây dựng “trường học thân thiện học sinh tích cực”.